Lượt xem: 720

Tên đường “Hồ Hoàng Kiếm” tại thành phố Sóc Trăng là đúng hay sai?

Lâu nay có nhiều người ngộ nhận, hoặc hiểu chưa đúng về xuất xứ và nguồn gốc tên đường Hồ Hoàng Kiếm tại thành phố Sóc Trăng. Có người thắc mắc mang tính phê phán rằng, tại sao những người có trách nhiệm ở các ngành chức năng của Sóc Trăng lại lấy tên Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) ở Hà Nội để đặt tên cho một con đường ở nội ô thành phố Sóc Trăng? Có ý kiến còn phê phán hoặc chỉ trích “trình độ chính tả” của những người làm công việc đặt, đổi tên đường, bởi vì chữ Hoàng trong tên đường Hồ Hoàng Kiếm. Vậy tên đường Hồ Hoàng Kiếm tại thành phố Sóc Trăng là đúng hay sai?

    Đường Hồ Hoàng Kiếm nằm trên địa bàn Khóm 1, Phường 2, thành phố Sóc Trăng. Đường dài 110 mét (là một trong những con đường ngắn nhất thành phố Sóc Trăng), bắt đầu từ đường Trần Hưng Đạo và kết thúc là đường Trần Phú, đường lưu thông hai chiều, mặt lộ rộng 7m. Tên đường Hồ Hoàng Kiếm là hoàn toàn đúng chính tả, chứ không phải là Hồ Hoàn Kiếm. Đây là tên của đồng chí Đội trưởng Đội Biệt động Khu III, thuộc Đội Biệt động thị xã Sóc Trăng, đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


Một góc đường Hồ Hoàng Kiếm thành phố Sóc Trăng.

    Hồ Hoàng Kiếm tên khai sinh là Hồ Văn Kiếm, sinh năm 1947, tại ấp Tân Hội, làng Tân Thạnh, quận Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước, Hồ Văn Kiếm sớm biết căm thù đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã gây bao đau thương, tang tóc trên quê hương mình. Năm 1962 khi chưa tròn 15 tuổi, Hồ Văn Kiếm tham gia cách mạng và được tổ chức cho gia nhập lực lượng du kích xã Tân Thạnh, huyện Long Phú. Với tư chất thông minh, gan dạ và dũng cảm, Hồ Văn Kiếm cùng anh em du kích xã  thường xuyên tổ chức chống càn, đánh công đồn trừng trị bọn tay sai gian ác và bảo vệ cán bộ, đảng viên ở địa phương.

    Do đạt được nhiều thành tích trong chiến đấu, năm 1967 Hồ Văn Kiếm được rút lên thị xã Sóc Trăng và được tổ chức tin tưởng phân công làm Trung Đội phó Trung đội Biệt động Khu II, sau đó không lâu được đề bạt làm Trung Đội trưởng Trung đội Biệt động Khu III, Đội Biệt động thị xã Sóc Trăng. Sau khi được điều động lên thị xã, anh đổi tên thành Hồ Hoàng Kiếm để thuận lợi trong việc hoạt động cách mạng của mình.

    Với trách nhiệm mới nặng nề hơn, Hồ Hoàng Kiếm không ngừng nghiên cứu tìm tòi và nhanh chóng hòa nhập vào chiến trường mới. Trong quá trình chiến đấu, đơn vị do Hồ Hoàng Kiếm chỉ huy đã phối hợp với các đội du kích mật ở 3 khu (I, II và III), Đại đội 247, Đại đội 301[1] và lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng đánh chiếm và làm chủ nhiều khu vực ở thị xã Sóc Trăng, làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, trong đó có những trận đánh hết sức tiêu biểu.

    Trong cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, Trung đội Biệt động Khu III do đồng chí Hồ Hoàng Kiếm chỉ huy được phân công nhiệm vụ dẫn đường và phối hợp tác chiến ở các khu vực Hồ Nước Ngọt, địa bàn xã Tân Thạnh[2], xã Trường Khánh. Trong đợt một của cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa, Trung đội Biệt động Khu III  phối hợp với Đại đội 301 đánh vào Hội đồng xã Phân Chi khu Khánh Hưng. Khi lực lượng cách mạng tiến quân đến gần rạp Thuận Hóa (chỗ góc đường Nguyễn Du - Nguyễn Huệ chợ Sóc Trăng hiện nay) thì địch cho xe quân sự chở lính từ hướng Sân bay Sóc Trăng đến đánh ngăn chặn. Trung đội Biệt động do đồng chí Hồ Hoàng Kiếm chỉ huy đã chống trả quyết liệt. Riêng đồng chí Hồ Hoàng Kiếm đã dũng cảm bắn 4 trái B40 trúng 3 xe quân sự của địch, làm chết và bị thương hàng chục tên.

    Ngày 4-9-1969, một tiểu đoàn chủ lực thuộc Trung đoàn 33 của địch phối hợp với Tiểu đoàn 408 (thuộc Tiểu khu Ba Xuyên) mở cuộc hành quân đánh vào khu vực ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh, nơi nhân dân ta đang lập bàn thờ, tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ kính yêu. Trung đội Biệt động Khu III do đồng chí Hồ Hoàng Kiếm chỉ huy phối hợp với Đại đội 247 và lực lượng du kích tại chỗ lợi dụng địa hình sông rạch, mương liếp, vườn cây đã anh dũng chiến đấu, đánh lui các đợt tấn công của địch, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 100 tên địch, bắn cháy 4 xe M113, bắn hỏng 4 máy bay, buộc chúng phải rút lui khỏi trận địa.

    Đầu tháng 11-1969, Thị ủy và Ban Chỉ huy Thị đội Sóc Trăng giao nhiệm vụ cho Trung đội Biệt động Khu III lên kế hoạch tiêu diệt tên Đại úy Nguyễn Văn Tâm, Quận trưởng Long Phú đã gây nhiều nợ máu với người dân. Sau nhiều ngày trinh sát thực địa, kết hợp với nguồn tin từ cơ sở, các đồng chí đã nắm được lịch trình đi lại của tên Quận trưởng và lên kế hoạch tác chiến. Theo kế hoạch, một tổ biệt động của Trung đội Biệt động III do đồng chí Hồ Hoàng Kiếm chỉ huy đã cải trang thành lính quân cảnh đi tuần tra trên tuyến lộ Sóc Trăng - Long Phú, đoạn gần giáp trung tâm xã Tân Thạnh. Một chiến sĩ được giao nhiệm vụ chặn đầu xe để làm nhiệm vụ kiểm tra, đồng chí Hồ Hoàng Kiếm cùng một chiến sĩ đứng bên mép đường có nhiệm vụ tiến công hướng chính diện; một chiến sĩ có nhiệm vụ khóa đuôi xe không cho chúng chạy ngược về hướng thị xã Sóc Trăng. Sáng sớm ngày 17-11-1969, các chiến sĩ biệt động bí mật chiến lĩnh địa bàn, triển khai đội hình, chờ chiếc xe chở tên Quận trưởng từ thị xã Sóc Trăng quay về Long Phú sẽ hành động. Khoảng hơn 3 giờ 30 phút chiều, chiếc xe Jeep chở tên Quận trưởng Tâm đến khu vực cầu Xã Xiễng thì “lính quân cảnh” ra lệnh dừng lại. Ngay lập tức hai loạt AR16 từ đồng chí Hồ Hoàng Kiếm và chiến sĩ Công cùng lúc vang lên, kết liễu cuộc đời tên Quận trưởng cùng 2 tên lính đi cùng. Ngay sau đó tên tài xế rú ga định bỏ chạy nhưng cũng bị trúng đạn chết ngay tại chỗ. Trận đánh diễn ra nhanh, gọn nên bọn địch ở các đồn trong khu vực không hề hay biết. Tổ biệt động, nhanh chóng thu toàn bộ tài liệu, vũ khí, đạn dược và rút vào vùng căn cứ an toàn.

    Để trả đũa sau những thất bại mang tính chất “mất an ninh”, bọn địch ở Tiểu khu Ba Xuyên tung nhiều đơn vị bảo an phối hợp với bọn “Phượng Hoàng”[3] đẩy mạnh càn quét, bình định các ấp vùng ven của thị xã Sóc Trăng và nông ra các huyện lân cận.

    Trong một lần ém quân ở ấp Mương Tra (thuộc xã Tân Thạnh), đồng chí Hồ Hoàng Kiếm không may bị trúng đạn của bọn địch từ thị xã Sóc Trăng đi càn quét. Đồng chí Hồ Hoàng Kiếm hy sinh ngày 27/11/1969 (nhằm ngày 18 tháng 10 năm Kỷ Dậu)[4] khi vừa tròn 22 tuổi, để lại người vợ trẻ và đứa con gái chỉ mới hơn 2 tháng tuổi.

    Đồng chí Hồ Hoàng Kiếm đã được phong tặng và truy tặng các danh hiệu: Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ diệt ngụy, Huân chương Chiến công hạng III,  Huân chương Chiến công hạng II, Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

    Để ghi nhận những cống hiến to lớn của người chiến sĩ biệt động trẻ tuổi, đồng thời nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng địa phương, năm 1976 các đồng chí lãnh đạo những ngành chức năng ở thị xã Sóc Trăng quyết định đổi tên đường Triệu Quang Phục thành đường Hồ Hoàng Kiếm cho đến ngày nay./.

Thanh Hà

 

Chú thích

[1] Đại đội 247 là Đại đội Bộ binh tỉnh và Đại đội 301 là Đại đội Địa phương huyện Vĩnh Châu, cả hai đại đội đều được tăng cường cho thị xã Sóc Trăng.

[2] Từ tháng 2/1961 xã Tân Thạnh, huyện Long Phú được giao về cho thị xã Sóc Trăng; đến tháng 8/1966 xã Tân Thạnh giao cho huyện Lịch Hội Thượng.

[3] Tổ chức Phượng Hoàng ban đầu làm công tác tình báo do Phân Cục tình báo CIA (Mỹ) ở Sài Gòn lập ra, sau đó giao cho ngụy nhưng vẫn tiếp tục điều khiển. Từ năm 1969 trở đi, tổ chức này phát triển nhanh, được Mỹ-Thiệu mệnh danh là “Con chim của thần chết” bởi tính dã man, tàn bạo, thâm độc của nó.

[4] Thông tin ngày hy sinh của đồng chí Hồ Hoàng Kiếm do gia đình cung cấp.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 56
  • Hôm nay: 8140
  • Trong tuần: 78,847
  • Tất cả: 11,802,167